Vì sao khó phân biệt cúm thường và Covid?
Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt cúm thường và Covid nếu chỉ dựa trên các triệu chứng.
Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và COVID-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.

Trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của Covid-19 là sốt, ho khan và khó thở, chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm. Nhưng theo nghiên cứu, những người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm. Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và Covid-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.
Ngoài ra, mất khứu giác là dấu hiệu được báo cáo sớm nhất và phổ biến liên quan đến SARS-CoV-2, đồng thời là dấu hiệu để phát hiện người mắc COVID-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho.
Không giống như trong các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi (nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy), trong COVID-19 mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong biểu mô mũi và các tế bào thần kinh khứu giác mà không có bất kỳ tắc nghẽn nào. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột nên được nghi ngờ là dương tính với COVID-19 và cần làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.
Nhiều loại xét nghiệm đồng thời virus cúm mùa loại A và B và SARS CoV-2 (virus gây ra COVID-19) đã được nghiên cứu và phát triển để phân biệt nếu bạn dương tính với virus cúm hay Covid-19 hay cả hai, một số đã được phê duyệt để sử dụng cho người bệnh. Việc xét nghiệm kết hợp cúm/covid-19 từ ban đầu, đặc biệt là cho những người có nguy cơ cao biến chứng, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời dù bạn nhiễm cúm hay SARS-CoV-2, sẽ là một phương pháp hữu hiệu trong tương lai.
Cả COVID-19 và cảm lạnh thông thường đều do virus gây ra. COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra, trong khi cảm lạnh thông thường thường do rhinovirus gây ra. Những virus này lây lan theo những cách tương tự nhau và gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt.

Nguy cơ đồng nhiễm cúm và Covid-19
Theo lý thuyết, một người có thể bị cúm, cũng như các bệnh đường hô hấp khác và COVID-19 cùng một lúc. Tuy nhiên, sự hiện diện của coronavirus cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn chặn các ca bệnh cúm, bởi vì thường chỉ có một loại virus đường hô hấp chiếm ưu thế trong một quần thể tại một thời điểm nhất định. Nghĩa là loại virus này có xu hướng ngăn cản loại virus kia. Các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này.
Thực tế, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các trường học đóng cửa, việc đi lại bị đình trệ và hàng triệu người bắt đầu làm việc tại nhà, số ca mắc cúm mùa cũng nhanh chóng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Khi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 được thực hiện, số ca bệnh cúm đã giảm nhanh chóng và vẫn chưa thấy tăng trở lại. Sự sụt giảm số ca nhiễm cúm mùa trong thời gian Covid-19 hoành hành đã giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Nhưng cũng cần phải nói rõ rằng, mặc dù thống kê cho thấy tỷ lệ cúm giảm (do ít tiếp xúc và giảm xét nghiệm cúm) trong đại dịch Covid, nhưng không có nghĩa cúm biến mất mà virus cúm vẫn tiếp tục tồn tại, biến đổi và sẽ quay trở lại trong thời gian tới.