Tuyển người IT ‘có kinh nghiệm’ Giữa thời đại Al
Vì vướng mắc vấn đề cá nhân mà trong mùa hè qua, một cậu sinh viên chăm chỉ của tôi ở trường Kỹ sư – Raph – chưa tìm được công ty nhận ký hợp đồng.
Raph đã đăng ký chương trình đào tạo kép luân phiên giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Cuối cùng cái gì đến rồi cũng sắp đến, chúng tôi nỗ lực hỗ trợ Raph hết mình nhưng vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Các công ty có nhu cầu tuyển dụng thông qua loại hình đào tạo này dường như đã chốt xong nhân sự từ trước cả rồi.
Đến mãi cuối tuần, cậu mới hớn hở thông báo đã có công ty nhận cậu vào làm việc rồi. Raph hạnh phúc vì sẽ vừa giải quyết được vấn đề tài chính (học phí cao, sinh hoạt phí đắt đỏ khác,..), vừa tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp cho bản thân trước khi thành kỹ sư chính thức. Tuy nhiên, sau khi trải qua một cuộc đánh giá nội dung chi tiết về công việc dự kiến tại doanh nghiệp của mình, tôi chưa thể phê duyệt cậu ta được. Trước sự thất vọng của Raph, tôi phải giải thích lần nữa về tiêu chuẩn đào tạo ở trường cũng như yêu cầu của thị trường về một người kỹ sư cần có. Không phải trải nghiệm nào cũng được gọi là kinh nghiệm.
Áp lực về vấn đề “phải có kinh nghiệm” của Raph là vấn đề chung của phần lớn sinh viên khi sắp bước vào thị trường lao động khắc nghiệt này. Theo báo cáo Thị trường IT của Việt Nam năm 2023 vừa được công bố bởi nền tảng tuyển dụng nhân sự về mảng AI Top Dev, Việt Nam đang rơi vào giai đoạn thiếu nhân sự trầm trọng về ngành này, đặc biệt là những nhân sự thực sự giỏi, có kinh nghiệm, mặc dù vẫn dư thừa “fresher” (sinh viên mới ra trường).
Vậy là, những sinh viên của tôi, như Raph, phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi “tìm thêm nhiều cái gọi là kinh nghiệm”; còn các bạn trẻ Việt Nam vẫn luôn có suy nghĩ và ôm nỗi ấm ức “mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm?”.

Vậy “kinh nghiệm” là gì, và lấy nó ở đâu?
Kinh nghiệm thường thì được nhìn nhận đơn giản là sự trải nghiệm trong các môi trường doanh nghiệp, có được thông qua việc từng đảm nhận các vị trí tương tự trước đó. Doanh nghiệp muốn có những nhân sự kinh nghiệm để làm việc được ngay, nhằm tăng hiệu quả lao động, tiết kiệm mảng chi phí đào tạo. Tuy nhiên, ở nhiều nhà trường hiện nay, dù đã cố gắng thay đổi, nhưng vẫn chưa thể nào bảo đảm cho sinh viên được trải nghiệm đầy đủ các vị trí mà nhà tuyển dụng đưa ra. Trường đại học khó có điều kiện trang bị kinh nghiệm cụ thể, chỉ có thể là cung cấp cho sinh viên kỹ năng cơ bản để đảm nhận một loại công việc nào đó cụ thể mà thôi.
Sự “lệch rơ” về yêu cầu “kinh nghiệm” Cái khó ở đây là giữa doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của người lao động – nhà trường.
Trong khuôn khổ chương trình đào tạo một người kỹ sư, sinh viên của tôi phải có đầy đủ các khả năng nhận diện vấn đề, phân tích vấn đề, nghiên cứu đánh giá các giải pháp hiện có (được cập nhật theo thời gian), đưa ra quyết định lựa chọn, hiện thực hóa phương án giải quyết, liên tục.
Trên đây là những bước tiêu chuẩn tối thiểu và bắt buộc đối với một kỹ sư nói chung. Ngoài ra, để thực hiện các đồ án trong phạm vi trường học, sinh viên được yêu cầu áp dụng những công cụ quản lý và hỗ trợ đang phổ biến trên thị trường. Chính vì vậy, công việc của sinh viên trong khuôn khổ của các kỳ thực tập (ngắn và dài), các khóa đào tạo kép luân phiên cũng phải đáp ứng những bước tiêu chuẩn trên. Nói cách khác, kinh nghiệm nghề nghiệp với chúng tôi là sự từng trải về kiến thức và kỹ năng phải có, tương ứng các vị trí hay chức danh nghề nghiệp; chứ không nhất thiết phải trực tiếp đảm nhận một vị trí hay công việc cụ thể nào đó.