Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt: Nguy hiểm nhưng ít người biết đến
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt – Premenstrual Dysphoric Disorder (PMDD) là một dạng nghiêm trọng của Hội chứng tiền kinh nguyệt – Premenstrual Syndrome (PMS).

Theo một số dữ liệu thống kê, có khoảng 85% phụ nữ có những biểu hiện của Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như mệt mỏi, dễ cáu gắt, đau bụng, đau lưng, tức ngực, hay thấy bất ổn trước ngày “dâu rụng”. Trong số đó, khoảng 3 – 8% phụ nữ mắc Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) trước và trong thời gian hành kinh. So với PMS, người bị PMDD sẽ phải trải qua những vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều. Họ bị mất cân bằng nội tiết tố khiến tâm trạng thay đổi thất thường cùng với các triệu chứng sinh lý nặng nề hơn PMS.
Những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc PMDD hoặc PMS ngày càng nặng có nguy cơ phát triển PMDD cao hơn, so với những phụ nữ có tiền sử gia đình bị rối loạn tâm trạng.
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PDMM) là gì?
PMDD là một dạng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) nhưng nghiêm trọng hơn nhiều, hay xảy ra ở phụ nữ có độ tuổi từ 20-30, hoặc những người có tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm.
Các triệu chứng của PMDD
Triệu chứng về mặt thể chất:
- Chướng bụng, đau bụng, đau tức ngực
- Đau đầu, mỏi lưng, đau khớp hoặc cơ
- Có vấn đề về giấc ngủ: khó ngủ, ngủ không sâu hoặc ngủ quá nhiều
- Rối loạn cảm giác thèm ăn
- Tim đập nhanh, chóng mặt
Triệu chứng về mặt tinh thần:
- Tức giận, cáu gắt kéo dài gây ảnh hưởng đến người khác
- Cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, thậm chí có ý định tự tử
- Tâm trạng không ổn định, nhạy cảm hơn bình thường nhiều, khóc không rõ lý do
- Dễ bị hoảng loạn và sợ hãi tột độ
- Mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng làm việc, không có động lực sống
- Giảm hứng thú với các hoạt động, sở thích hằng ngày
- Khó suy nghĩ và khó tập trung vào công việc
Thông thường, các triệu chứng này sẽ bắt đầu từ 10-14 ngày trước ngày hành kinh và có thể sẽ hết ngay ngày đầu của kỳ. Họ sẽ cảm thấy bản thân trong khoảng thời gian đó như trở thành một người lạ vậy, khác hoàn toàn với tính cách mọi khi của mình.
PMDD có nguy hiểm không?
Theo như các chuyên gia nghiên cứu cho biết, PMDD được coi là một dạng của trầm cảm. Nó nguy hiểm bởi không chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân người mắc, mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ thân thích xung quanh họ như gia đình, người yêu, bạn bè,…Không những vậy, việc mệt mỏi, thiếu tập trung, dễ hoảng loạn cũng khiến họ dễ đưa ra những quyết định sai lầm.
Sau khi những triệu chứng của PMDD chấm dứt, tâm trạng quay trở về bình thường, đa số họ sẽ cảm thấy hối hận và tự trách về những gì mà bản thân đã gây ra trong thời gian trước đó. Dần dần sẽ khiến họ chán ghét bản thân, hình thành tâm lý tự cô lập, trong khi không nhận được sự đồng cảm từ những người xung quanh. Theo thời gian dài, điều này có thể khiến họ suy kiệt về thể chất và tinh thần, dẫn đến hành vi tự tử.
Vậy biện pháp điều trị PMDD là gì?
Người mắc PMDD sẽ có cách điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và sự ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Hãy bắt đầu với việc duy trì một lối sống khỏe mạnh, cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi, đồng thời kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, chế độ tập thể dục hay thiền, yoga,… Cách này có thể mang đến một tâm lý thoải mái và khỏe mạnh, giảm bớt áp lực trong cuộc sống và công việc.
Tiếp đó là việc sử dụng các biện pháp trị liệu như liệu pháp hormone, châm cứu hoặc bấm huyệt,… sẽ giúp cho cơ thể cảm thấy thoải mái hơn và giảm các triệu chứng về thể chất.
Bên cạnh đó, cần lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ và sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng để điều trị PMDD.