Nỗi đau 4 năm mất 2 người con ruột
Vì không có tiền mua quan tài, đôi vợ chồng nghèo hiện làm công nhân tại tỉnh Bình Dương dự định sẽ đặt thi thể con mình vào thùng mì tôm rồi tự mình đưa về quê nhà ở Hậu Giang. May mắn thay, cộng đồng mạng đã kịp thời chung tay giúp đỡ.
Phía sau câu chuyện đầy đau thương đó chính là hoàn cảnh nghò khó của đôi vợ chồng nghèo và tình cảm vô cùng ấm áp của những tấm lòng lương thiện.
Chỉ trong 4 năm mà họ mất đi 2 người con
Nhóm phóng viên chúng tôi tìm đến ngôi nhà xơ xác của chị Trần Thị Tuyết (36 tuổi, ngụ xã Hòa An, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) vào những ngày cuối tháng 10.2023. Khi kể về các con, chị Tuyết cứ thế mà ứa nước mắt. Hai người con trai của vợ chồng chị quá tội nghiệp: một bé chết trong bụng mẹ khi thai chỉ mới 36 tuần tuổi, còn một bé sống chưa đầy 1 tháng.
Chị Tuyết có 2 người con gái lớn, một đứa 17 tuổi và đứa sau 12 tuổi. Năm 2019, chị Tuyết mang thai một bé trai. Vì vốn dĩ mắc bệnh cao huyết áp đột ngột, co giật tiền sinh sản khiến thai nhi chết yểu trong bụng mẹ khi chỉ mới 36 tuần tuổi nên phải mổ để lấy con ra. Hơn 20 ngày sau đó, chị Tuyết bị rơi vào trầm cảm và bị ám ảnh mỗi khi nghĩ tới chuyện mất mát ấy.

Gia đình chị Tuyết thuộc danh sách hộ nghèo, ngoài miếng đất mà cha mẹ để lại thì không có đất đai để sản xuất. Chị làm nội trợ, chồng thì làm thuê đủ thử nghề ở chốn nông thôn. Đến năm 2021, Hội Phụ nữ xã Hòa An hỗ trợ cho gia đình chị 30 triệu đồng để cất mái ấm tình thương. Do không đủ tiền mua vật liệu, vợ chồng chị lại phải vay mượn thêm 20 triệu đồng bên ngoài để xây nhà và đi làm trả lãi.
Rồi cảnh thất nghiệp đột ngột ập tới, vợ chồng chị xoay xở không kịp nên đánh phải đi lên Bình Dương làm công nhân nhà máy trả nợ. Hai đứa con nheo nhóc đành phải nghỉ học và theo cha mẹ mưu sinh.
Tại Bình Dương, vợ chồng chị Tuyết xin làm việc trong một xưởng sản xuất đồ gỗ. Ở độ tuổi 35, một lần nữa chị Thuyết mang thai đứa con trai, cả gia đình chị vui mừng khôn xiết. Ông Lê Hoàng Em (44 tuổi, chồng chị Tuyết) đã “khoe” khắp khu trọ về thành viên mới này. Tiền công 2 người làm tuy ít ỏi nhưng lại có tới 4 miệng ăn, lại bệnh tật triền miên.
Trong khoảng thời gian mang thai, chị Tuyết ăn uống thiếu thốn, tằn tiện. Đứa bé sau khi chào đời bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng hơn 1 kg, mắc bệnh nhiễm trùng huyết và viêm não.
Đứa bé yếu ớt, vừa chào đời thì phải chuyển ngay vào phòng chữa trị đặc biệt thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Chị Tuyết chưa một ngày được ẵm con, xem mặt con trai như thế nào. Hơn 10 ngày sau, chị xuất viện trở về nhà trọ, đứa trẻ vẫn phải gửi bác sĩ điều trị. “Từ nhà trọ đến bệnh viện, nếu thuê xe đưa đón là 700.000 đồng, đi xe buýt thì 50.000 đồng. Vết thương sinh mổ vì còn khá đau nhưng vì quá nhớ con nên dù không còn tiền tôi vẫn bắt xe buýt đến bệnh viện. Mỗi lần thăm con cũng chỉ được đứng ngoài cửa nhìn vào thôi chứ không được vô giường con. Đi được 3 lần, đến lần thứ 4 (ngày 22.10) thì bác sĩ nói bé không còn khả quan, có lẽ không sống được 4 ngày nữa. Lúc đó tôi suy sụp, lo sợ cảnh phải mất con thêm một lần nữa. Bé cầm cự được 2 ngày (24.10) thì không qua khỏi”, chị Tuyết nghẹn ngào kể lại trong nước mắt.