Nhiều tiểu thương chợ An Đông ‘tố’ Ban quản lý thu tiền vệ sinh của khách hàng trái với thỏa thuận
Hai bên đã thỏa thuận sẽ thu phí vệ sinh bao gồm quét dọn và nhà vệ sinh cho mỗi quầy hàng tại khu chợ là 187.000 đồng/tháng/quầy, tuy nhiên, Ban quản lý khu chợ An Đông lại đặt ra 4 thùng thu tiền trước nhà vệ sinh 4 tầng của cả khu chợ….
Theo như những phản ánh của các tiểu thương khu chợ An Đông (Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông, quận 5, TP.HCM), trước đây Ban quản lý khu chợ đã ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ công ích là thầu gói quét dọn thu gom rác vệ sinh, nhà vệ sinh cho cả 4 tầng nhà có tham gia hoạt động kinh doanh tại chợ An Đông. Theo đó, giá mỗi quầy Ban quản lý thu của các tiểu thương là 187.000 đồng/tháng (bao gồm cả phí vệ sinh cho khách đến chợ tham quan và mua sắm).
Nhưng tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn “trước mặt 4 nhà vệ sinh lại có đặt 4 thùng thu tiền khách hàng đến mua sắm từ 3.000 – 5.000 đồng/người/lượt. Người phụ giúp việc, phụ bán hàng cho các chủ quầy khi đi vệ sinh phải mang theo thẻ bán hàng để không phải đóng số tiền này. Việc thu tiền khi đi vệ sinh của khách đến chợ mua sắm và tham quan đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý mua sắm của khách hàng, bởi trên thực tế đã thu tiền của tiểu thương bao gồm cả dịch vụ vệ sinh này rồi. Hơn thế nữa, Ban quản lý đang vận động cả tiểu thương và khách hàng không sử dụng tiền mặt để trao đổi mua sắm, nên có rất nhiều khách đến mua hàng tại chợ đều dùng thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản… Vậy tiền lẻ đâu ra để khách trả khi sử dụng nhà vệ sinh ở đây? Nhiều khách hàng phải quay trở ra chợ vì không có tiền lẻ để trả tiền…”, đơn thư viết.
Cũng theo trong đơn thư, Ban quản lý chợ An Đông đã không đồng nhất trong việc thực hiện các quy định của chợ mà ngay từ đầu, chính Ban quản lý đã phổ biến đến các tiểu thương như sau, mỗi sạp (rộng 2,1m2) đóng các khoản tiền liên quan chi phí sử dụng điện như sau: điện máy lạnh là 350.000 đồng/tháng (tăng từ mức 200.000 đồng/tháng lên 350.000 đồng/tháng bắt đầu từ tháng 3.2022), tiền điện sử dụng lối đi chung 70.000 đồng/tháng, điện trong sạp 4.000 đồng/kWh (trung bình khoảng 80 kWh/tháng/quầy). Như vậy, nếu tăng thêm tiền sử dụng diện tích 200.000 đồng/tháng, tiền phí vệ sinh chung 187.000 đồng/tháng, mỗi quầy trả 1,2 triệu đồng/tháng.

Với khoản thu tiền điện máy lạnh là 350.000 đồng/tháng/quầy, Ban quản lý khu chợ quy định giờ mở và tắt toàn bộ hệ thống điều hòa cụ thể như sau: Sáng mở từ 7 giờ và tắt lúc 17 giờ 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, từ tháng 2.2023 cho đến nay, Ban quản lý chợ đã mở điều hòa chợ trễ hơn 1 tiếng so với quy định, bắt đầu lúc 8 giờ sáng và tắt lúc 16 giờ 40 phút. Tổng cộng thời gian “cắt” máy lạnh tại chợ là 110 phút, gần 2 tiếng đồng hồ.
“Việc chậm mở toàn hệ thống điều hòa và tắt sớm khiến thời gian hoạt động mở cửa bán hàng của các tiểu thương hầu như buộc phải thu ngắn lại. Bởi do đã đóng cửa kính kín, sáng mở sớm không có máy lạnh, khách không dám vào chợ mua vì cảm thấy ngộp rất khó chịu. Tương tự, buổi chiều đóng sớm thì đa số lượng khách mua sỉ muộn như lâu nay lại không dám vào chợ vì vừa nóng vừa ngộp rất khó chịu. Trong khi các tiểu thương vẫn đóng đầy đủ tiền máy lạnh, Ban quản lý báo thu bao nhiêu, chúng tôi cũng đóng bấy nhiều. Từ tháng 5 đến nay, tiền điện tại mỗi quầy sạp Ban quản lý chợ cũng thu từ tiểu thương tăng lên đến 17%, cao hơn 5 lần ở mức tăng 3% mà Bộ Công thương và ngành điện đã quy định. Vì vậy việc “cắt xén” gần 2 tiếng đồng hồ máy lạnh mỗi ngày của tiểu thương thì tiền điện này đã đi đâu?”, đơn thư của tập thể tiểu thương nêu rõ.