Marketing cảm xúc (emotional marketing)
Có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao một số quảng cáo được người dùng chia sẻ và khiến cho họ không ngần ngại mua sản phẩm trong khi thói quen của hầu hết tất cả mọi người là nhấn tắt quảng cáo ngay khi hết thời gian bắt buộc phải xem? Đáp án chỉ gói gọn trong 2 chữ: Cảm xúc. Cảm xúc của con người là thứ rất dễ bị điều khiển, nhất là những người có trí thông minh cảm xúc (EQ) thấp. Thuật điều khiển cảm xúc được tạo ra để định hướng sự lựa chọn của con người.

Nguyên tắc hoạt động của nó dựa vào nguyên lý: Khi một người muốn lựa chọn điều gì đó, trước tiên, họ sẽ lựa chọn bằng cảm xúc, sau đó sẽ tìm những lý do logic để hợp lý hóa lựa chọn của mình.

Vì cảm xúc là sự phản ứng từ hệ thống niềm tin nên để điều khiển cảm xúc người khác, người thao túng cần đưa ra những giá trị liên quan đến sự lựa chọn để dễ dàng định hướng. Có hai cách vô cùng hữu dụng để thôi thúc con người hành động: cách thứ nhất là dùng niềm vui sướng hay khoái lạc; cách thứ hai là đụng chạm đến nỗi đau của họ.
Trên thực tế, những nhà quảng cáo, bán hàng là bậc thầy của thuật điều khiển cảm xúc. Thông thường, họ sẽ đánh vào cảm xúc tham lam hoặc sợ hãi của con người để thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm của mình. Đây được gọi là marketing cảm xúc (emotional marketing) – một trong những cách quảng cáo hiệu quả nhất. Marketing cảm xúc thường đánh vào từng cảm xúc đơn lẻ, như hạnh phúc, buồn, giận dữ hay sợ hãi của người tiêu dùng để khơi gợi phản ứng và hành động mua hàng ở họ.
Nếu đánh vào cảm xúc tham lam sự vui vẻ, hạnh phúc, họ sẽ đưa ra những thông tin, hình ảnh con người vui vẻ, tích cực khi sử dụng sản phẩm của họ. Điều này rất dễ thấy trên hầu hết các quảng cáo hiện nay, điển hình là hình ảnh bạn là người thành công khi có nhà, xe hơi, đồ hiệu mới nhất. Điều thú vị là những hình ảnh này được người ta gọi là “thương hiệu” và con người sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền hơn chỉ để sở hữu sản phẩm có thương hiệu đó.
Ngược lại, nếu đánh vào sự sợ hãi, họ sẽ đưa ra những thông tin gây hoang mang cho người xem như thực phẩm bẩn, bệnh tật, rủi ro và sản phẩm của họ là thứ giúp người tiêu dùng được xoa dịu và thoát khỏi những nỗi sợ đó. Chiến thuật reo rắc nỗi sợ này thường được sử dụng vô cùng thành công bởi các chính trị gia và nhất là tôn giáo. Khi đó, các chính trị gia có thể gây chiến với các quốc gia khác thông qua reo rắc nỗi sợ khủng bố hoặc các tôn giáo có thể điều khiển hành vi của con người thông qua việc làm cho đối tượng sợ phải xuống địa ngục hoặc bị trừng phạt.
Kết hợp cảm xúc vào marketing và quảng cáo là một cách thu hút, tạo danh tiếng và khuyến khích người xem hành động vô cùng hiệu quả. Đây chính là vũ khí bí mật mà không phải ai cũng biết mình đang sở hữu. Để thành công đưa cảm xúc vào hoạt động marketing, bạn cần phải hiểu đối tượng mà mình đang nhắm tới để biết cảm xúc nào sẽ tốt nhất, hiệu quả nhất. Điều chỉnh những nội dung này với các mục tiêu marketing tổng thể và những nỗ lực của bạn sẽ đem thành quả rất lớn.
