Lợi ích của nấm với người bệnh tiểu đường
Nấm có nhiều chất xơ, vi sinh vật có lợi cho đường ruột, ít chất béo, giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu.
Bệnh tiểu đường khiến cơ thể không sản xuất đủ insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Insulin được sử dụng để di chuyển đường từ máu vào tế bào để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao nên tuân theo một kế hoạch ăn uống lành mạnh để kiểm soát bệnh của họ và nhằm điều trị bệnh. Trên thực tế, nhiều người phải vật lộn với việc lựa chọn loại thực phẩm nào để ăn và loại thực phẩm nào cần tránh. Nấm ít đường, ít carbohydrate có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Các loại nấm như nấm hương, nấm sò, nấm trắng tuy có hình dạng, mùi vị khác nhau nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Trong 70g nấm có 15 calo, 2g carbohydrate, 2g protein, selen…không có chất béo và giàu vitamin B2 và B3. Các vitamin B hòa tan trong nước cải thiện chức năng não còn selen là một chất chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ chức năng tuyến giáp.

Chỉ số đường huyết (GI) và tải trọng đường huyết (GL) của nấm thấp. Bệnh nhân tiểu đường ăn nấm có thể làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu. Với hàm lượng vitamin B cao, nắm có thể giúp làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ ở những người lớn tuổi dùng thuốc lâu dài để kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài các vitamin B, các hợp chất hoạt tính sinh học (polysaccharides) được tìm thấy trong nấm có đặc tính phòng bệnh tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên chuột để kiểm tra tác dụng của nấm nút trắng (Agaricus bisporus). Loại nấm này có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và cải thiện quá trình điều chỉnh lượng đường (glucose) ở chuột. Theo đại diện nhóm nghiên cứu, việc kiểm soát glucose có ý nghĩa đến bệnh tiểu đường và các bệnh chuyển hóa khác.
Ngoài ra, một trong những hợp chất hoạt tính sinh học trong nấm, chất xơ hòa tan beta-glucan, có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường. Từ đó, lượng đường trong máu và lượng cholesterol sau mỗi bữa ăn được kiểm tra. Bệnh nhân tiểu đường giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Bên cạnh việc giúp cải thiện và ngăn ngừa bệnh tiểu đường, ăn nấm còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm:
Cải thiện đường ruột
Nấm cung cấp men vi sinh có lợi cho đường ruột và hỗ trợ hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa.
Kiểm soát huyết áp
Nấm có chứa kali, một khoáng chất giúp ổn định huyết áp.
Ngăn ngừa ung thư
Nấm có hai chất chống oxy hóa mạnh là ergothioneine và glutathione. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hai chất này có khả năng chống lại tác hại của quá trình oxy hóa, thường xuyên ăn nấm có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
Cải thiện trí nhớ
Ăn nấm hai lần một tuần có thể làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức.
Nấm mang lại nhiều lợi ích, nhưng khi chọn nấm cho bữa ăn hàng ngày, bạn cần lưu ý không hái hoặc ăn nấm mọc ven đường tùy tiện. Khi chúng ta vô tình ăn phải nấm dại có thể bị buồn nôn, co giật, tiêu chảy, vã mồ hôi, chảy nước mắt, lú lẫn, thậm chí ảo giác và tử vong.