Hành thiền để vươn tới sự bình an
Thiền định không còn là thứ dành riêng cho một tôn giáo, giới tính, hay lứa tuổi nào. Ngay nay, rất dễ để nghe được những câu chia sẻ về thiền định ở bất cứ đâu. Tu sĩ thiền là phải, nhưng nghệ sĩ cũng thiền, thương nhân cũng thiền, thanh niên cũng thiền,… Tin tốt là có rất nhiều sách viết về thiền. Nhưng tin xấu là bạn càng đọc nhiều sách sẽ càng rối. Bạn sẽ không thể nào tìm thấy một giải thích rõ ràng về định nghĩa, nguyên nhân nên thiền, mục đích của thiền và cuối cùng là kết quả của thiền.
Có nhiều cách thiền định, nhưng chung quy thiền là giữ đầu óc trống không, trong trạng thái tỉnh thức; những điều tạp niệm, bận tâm, phiền muộn trong cuộc sống đều được đẩy ra khỏi tâm trí. Có nhiều cách để trí óc không nghĩ tới những điều tạp niệm, luyện khí công là một trong số đó. Luyện khí công tức là vận khí thở đi theo đường kinh lạc mà trí não ta dẫn dắt theo trong tưởng tượng. Nhờ hướng tư tưởng chú ý đến đường khí vận chuyển mà tâm trí ta không bị ảnh hưởng bởi những tạp niệm khác.

Có nhiều cách vận khí, trong đó, hít sâu và dẫn khí đi ra khắp tứ chi là cách thông thường và dễ làm nhất. Hoặc có thể hít sâu và dẫn khí đi theo kinh Nhâm và Đốc, tức là hít khí qua mũi lên trán giữa đỉnh đầu, rồi đi xuống sau cổ qua giữa sống lưng xuống hạ bộ rồi vòng lên bụng, đến phổi và thở ra. Đó là những cách đơn giản dễ làm. Ngoài ra, còn những cách vận dụng khí đến từng cơ quan bị bệnh để chữa bệnh.
Thật ra, cơ thể chúng ta có hai hệ thống điều hành, một hệ ý thức được bằng giác quan bên ngoài và một hệ tự vận hành bên trong cơ thể. Hệ giác quan giúp cơ thể cảm nhận và phản ứng với những xâm hại bên ngoài, như chống đỡ lại với thời tiết nóng lạnh, chống lại côn trùng đốt,… Còn hệ tự động bên trong do hệ thần kinh giao cảm điều khiển, đó là nhịp tim, hô hấp, tiêu hoá,… Ngoài ra các tuyến nội tiết điều khiển hệ sinh lí, chu kì tăng trưởng, sinh sản,… Những đội quân phòng vệ cơ thể chính là những thực bào, có nhiệm vụ tấn công những vật lạ xâm nhập. Những sự sản sinh bất thường của tế bào gây ra ung bướu đều do hệ thống phòng vệ bên trong trở nên yếu kém.

Hệ thống phòng vệ này tưởng chừng như nằm ngoài ý thức, nhưng nếu biết cách, ta có thể dẫn dắt nó, bắt nó phải phục tùng ý muốn của ta bằng cách vận dụng khí công và tư tưởng. Khi lực đủ mạnh, ta có thể điều khiển được nó. Ví dụ như ta có một mụn nhọt mưng mủ, gây đau nhức, thay vì chúng ta dùng phương pháp thông thường là uống kháng sinh và rạch mụt nhọt thì người luyện khí công, không cần làm như vậy, họ hướng tư tưởng và luồng khí thở của mình đến chỗ bị đau, làm cho nó tan đi để không làm cơ thể mình đau đớn. Khi lực khí công đủ mạnh, mụn nhọt tự vỡ ra mà không cần mổ xẻ, do cơ thể tập trung toàn lực, những thực bào đến tấn công vi trùng và tiêu diệt chúng mà không cần kháng sinh. Tổn thương ở những bộ phận khác cũng có thể dùng cách luyện khí công mà trừ khử.
Có thể dùng phương pháp khác là chú tâm hướng tư tưởng theo những lời tụng niệm, hoặc hướng tới cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, an lành,… để quên đi những buồn phiền, đó chính là thiền.
Nếu thiền định mà chỉ để có lợi cho mình mà không để tâm đến những người xung quanh, nếu ta chỉ tìm an bình cho tâm hồn ta mà không trừ khử được những yếu tố bên ngoài tác động đến, thì ta có ngồi thiền cả đời vẫn không thể tìm được an lạc. Cây muốn yên thì gió phải ngừng. Vì thế, đối với một đời sống tích cực, sống vươn lên, có nhiều cách để ta và người xung quanh được an lạc. Có khi phải đi ngược lại với thiền, tức là phải luôn mổ xẻ, phân tích, suy nghĩ về việc gây cho ta phiền não, làm sao để giải quyết vấn đề, làm cách gì để ít gây tổn thương tinh thần và thể xác. Loạn thì phải trị cho yên. Đó là phương châm của một đời sống tích cực. Mỗi ngày qua đi, hết việc nọ rồi đến việc kia, hết chống chọi bên ngoài với thiên nhiên, với nghịch cảnh đến chống chọi bên trong cơ thể với bệnh tật,… Như thế thì chỉ đến khi chết ta mới được an nghỉ sao?
Đối với người tích cực, đón nhận những tác động từ bên ngoài một cách bình thản như là điều tất yếu của cuộc sống. Nếu bạn giải quyết mọi việc ổn thoả, vượt qua biến cố, đó là lúc bạn được yên. Tổn thương thể xác cũng như tinh thần, vượt qua được giai đoạn khó khăn, bạn sẽ thấy yên ổn. Bạn luôn cố giữ được trạng thái bình yên càng lâu càng tốt nhờ vào dự đoán trước và phòng tránh. Không chờ nước tới chân mới nhảy. Cũng không nên phó mặc cho trời đất mà không có sức phấn đấu. Chỉ khi nào bạn đã cố hết sức rồi thì đành phải chấp nhận như người xưa đã nói: Tận nhân lực tri thiên mệnh vậy.
