Dưới áp lực tự chủ ở các trường đại học, nhiều hiệu trưởng xin nghỉ việc
Tự chủ đại học hiện nay khiến công việc của hiệu trưởng ngày càng gia tăng nhiều áp lực. Ngay ở trường ĐH Quốc gia Hà Nội, trong những năm qua, đã có 2-3 hiệu trưởng xin từ chức vụ này để chuyển sang vị trí khác.
Công việc nhiều áp lực, sức ép
Đó là nỗi niềm của Giáo sư Lê Quân, Giám đốc trường ĐH Quốc gia Hà Nội, tại Hội thảo Giáo dục 2023 với chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội tổ chức chiều ngày 5/11.
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội trăn trở về vấn đề năng lực tự chủ của các trường đại học trên cả nước. Theo ông đó là một bước chuyển mình cực kỳ mạnh mẽ nếu so nhiều năm trước. Tuy nhiên, quá trình tự chủ còn tồn tại rất nhiều vấn đề.
Ông Quân chia sẻ, ĐH Quốc gia Hà Nội luôn là nơi được coi là cơ chế tối ưu nhất, song khi làm vướng rất nhiều luật. Trong nền tự chủ đại học, vai trò của hiệu trưởng hết sức quan trọng. “Hiện nay, một đại học không phải là cơ quan quản lý theo chế độ hành chính mà đòi hỏi sự năng động. ĐH Quốc gia Hà Nội giờ đây để tìm được một hiệu trưởng giỏi cũng rất nan giải.
Trong 3 năm qua, chúng tôi đã có 2-3 người hiệu trưởng xin thôi chức vụ hiệu trưởng để chuyển sang làm một vị trí khác. Tất nhiên là chúng tôi phải đào tạo lại đội ngũ kế tiếp, thế nhưng điều này cho thấy đây dần dần là một công việc mang nhiều áp lực và sức ép”, ông Quân chia sẻ.
Trường đại học nếu muốn phát triển bền vững mà chỉ trông chờ vào học phí của sinh viên thì sẽ rất khó khăn.
Ông Quân cho hay, ĐH Quốc gia luôn được coi là trường đại học ưu tiên, trọng điểm. Nhưng thực sự để việc đầu tư đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ cũng rất gian nan. “Lương cơ sở hiện đang tăng lên, ngân sách cấp có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, việc trông chờ vào học phí cũng chỉ có giới hạn, như vậy, rất nhiều bài toán đặt ra nếu nhìn vào vấn đề tài chính ở các trường đại học, trong đó, có bài toán tài chính cho khoa học công nghệ.

ĐH Quốc gia Hà Nội mỗi năm được cấp khoảng 75 tỷ đồng cho các hoạt động cần sự phục vụ của khoa học công nghệ, trong khi có gần 3.000 tiến sĩ, 6 viện nghiên cứu. Mỗi năm, mỗi viện được cấp khoảng 1,5 – 2 tỷ đồng hỗ trợ, rất khó khăn. Với suất đầu tư như vậy, có thể thấy cơ chế rất bất cập”, GS Quân nói.
GS Lê Quân cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào học phí thì rất khó khăn nếu muốn duy trì sự bền vững. Suốt thời gian qua, Quốc hội dành rất nhiều thời gian và ra nhiều nghị quyết cho một vài cơ chế đặc thù khác nhau, nhưng chưa có những cơ chế đặc thù về bậc giáo dục đại học.
“Cần có thể chế làm sao để bậc đại học có những cơ chế ổn định để được quản lý theo một mô hình tự chủ cao và được làm nhiều điều mới vẻ cùng với việc cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, hơn là quản lý mang tính chất hành chính đồng phục”, ông Lê Quân chia sẻ.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết thêm, Nghị quyết 29/NQ-TW đã nêu rõ đầu tư cho ngành giáo dục là đầu tư phát triển, nhưng nếu chi cho giáo dục, đặc biệt giáo dục bậc đại học hiện vẫn còn rất thấp. Theo ông Hải Quân, ĐH Quốc gia TP.HCM hiện cũng rất “bất ổn”.
“Tỷ lệ mà ngân sách cấp trong 3 năm liên tục giảm. Trên thực tế, từ năm 2020 đến năm 2023, cả ĐH Quốc gia TP.HCM không khởi công được thêm công trình nào mới. Năm 2023, dự kiến chúng tôi sẽ phải hủy dự toán, đồng nghĩa trả lại cho hệ thống ngân sách số tiền 671,4 tỷ đồng. Năm 2022, chúng tôi phải chuyển nguồn từ năm 2022 sang 2023 với số tiền là 545 tỷ. Năm 2022 phải hủy dự toán (tức được cấp năm 2021 nhưng đến năm 2022 vẫn không thể giải ngân) khoảng 340 tỷ đồng”.