Bộ Y tế ‘chốt’ giá thuốc molnupiravir bao nhiêu?
Ngày 23/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, công khai giá bán ba loại thuốc molnupiravir do Việt Nam sản xuất, loại thấp nhất giá 8.675 đồng/viên.
Trả lời VnExpress, đại diện Cục Quản lý Dược xác nhận thông tin và cho biết đây là hoạt động thường quy về giá thuốc. Thông tin về giá thuốc được đăng tải công khai tại Cổng thông tin Cục Quản lý Dược.
Theo đó, thuốc Molravir 400, thành phần molnupiravir 400 mg, của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam, giá bán 11.550 đồng một viên. Thuốc Movinavir, thành phần molnupiravir 200 mg, của Công ty Cổ phần hóa dược phẩm Mekophar giá 8.675 đồng một viên. Thuốc Molnupiravir Stella 400 mg, do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm – chi nhánh 1, giá bán 12.500 đồng một viên.
Một hộp thuốc molnupiravir đóng gói 20 viên 400 mg hoặc 40 viên 200 mg đủ cho một liệu trình điều trị. Như vậy, giá thuốc dao động từ 230.000 đến dưới 350.000 một hộp cho liệu trình 5 ngày.
Molnupiravir là thuốc kháng virus đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp. Thuốc có tác dụng giảm tải lượng virus trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Bộ Y tế đã đưa molnupiravir cùng hai thuốc kháng virus khác là favipiravir, remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19. Theo đó, molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng trước hoặc sau khi mắc Covid-19 hoặc điều trị khởi đầu cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Liều dùng là 1.600 mg một ngày, tương đương 4 viên 400 mg hoặc 8 viên 200 mg.
Trẻ em, bệnh nhân dị ứng với molnupiravir hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ có thai và đang cho con bú không sử dụng thuốc này. Thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi, tinh trùng, theo cảnh báo của Bộ Y tế.
Chiều cùng ngày, đại diện FPT Long Châu cho biết đã mở bán thuốc molnupiravir, số lượng khoảng 500.000 viên. Nhà thuốc bán 2 trong 3 loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép, gồm Molravir 400 và Molnupiravir Stella 400 với cùng mức giá 12.500 đồng một viên.

Hôm 18/2, cả ba doanh nghiệp sản xuất molnupiravir cho biết có kế hoạch đưa thuốc ra thị trường trong tuần này và phân phối theo hệ thống các nhà thuốc trên cả nước.
Hiện Mekophar đã có sẵn một số nguyên liệu cung cấp từ Ấn Độ, sẽ sản xuất ngay để có thuốc.
Công ty Stellapharm đã nhập khẩu nguyên liệu sản xuất về cảng và xem lại nhu cầu đặt hàng từ các địa phương để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Công suất nhà máy Stellapharm có thể đạt vài triệu liều một lúc nên đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, theo đại diện công ty.
Tại phiên họp trước khi cấp phép cho Molnupiravir tại Việt Nam của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc (Bộ Y tế), các thành viên hội đồng đã thống nhất về cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú: Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng;
Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên: Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Đối với nam giới: Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.